NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT VỀ HỆ MIỄN DỊCH CỦA TRẺ
Những điều mẹ cần biết về hệ miễn dịch của trẻ là gì? Các bà mẹ cần chăm sóc và bảo vệ hệ miễn dịch của trẻ nhỏ ra sao? Hãy theo dõi ngay thông tin hữu ích dưới đây.
Các bà mẹ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ luôn lo ngại về tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Họ luôn tìm mọi cách để làm cho trẻ khỏe mạnh nhất, uống vitamin và ăn rất nhiều thực phẩm bổ dưỡng, ai mách gì làm nấy, nhiều khi quá mức đối với cơ thể của trẻ. Để tránh những hành động sai lầm, các bà mẹ cần phải hiểu rõ về hệ miễn dịch và sự phát triển hệ miễn dịch ở trẻ, từ đó có phương pháp bảo vệ trẻ một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Tổng quan về Hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch là một hệ thống phòng vệ tự nhiên trong cơ thể con người, hoạt động như một lá chắn ngăn chặn các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như vi rút, vi khuẩn, nấm bệnh, ký sinh trùng và nhiều chất độc hại khác từ không khí, khói bụi, chất đốt….
Hệ miễn dịch ở người được hình thành ngay từ trong bụng mẹ và hoàn thiện dần trong quá trình khi trưởng thành rồi già đi. Khi còn nhỏ hệ miễn dịch còn non yếu nên rất hay gặp các bệnh viêm nhiễm, nhất là viêm nhiễm đường hô hấp, khi trưởng thành hệ miễn dịch là khỏe nhất và suy yếu dần khi già đi.
Ở người trưởng thành, hệ thống miễn dịch được hình thành và củng cố vững chắc do sự tiếp xúc với rất nhiều tác nhân và những lần mắc bệnh. Hệ miễn dịch hoạt động theo cơ chế ghi nhớ dạng kháng nguyên xâm nhập, từ đó sản sinh ra các kháng thể tiêu diệt nhanh chóng loại kháng nguyên đó. Một số loại bệnh khi đã gây bệnh ở người 1 lần thì rất khó để gây bệnh lần 2, do hệ thống miễn dịch đã nhận diện được chúng từ lần đầu và có cơ chế tạo ra kháng thể chờ sẵn để tiêu diệt cho những lần tiếp cận về sau.
Hệ miễn dịch ở trẻ em
Hệ miễn dịch ở trẻ em là hệ thống khá non nớt và yếu đuối, đó cũng là lý do khiến trẻ em rất hay mắc các bệnh về nhiễm trùng như ho, ốm, sốt…
Trẻ em từ khi sinh ra đã được nhận những dòng kháng thể đầu đời từ cơ thể người mẹ. Đây được gọi là miễn dịch bẩm sinh, hay miễn dịch thụ động. Từ khi sinh ra đến 6 tháng tuổi, bé hoàn toàn phụ thuộc vào dưỡng chất từ sữa mẹ để nuôi dưỡng cơ thể và xây dựng hệ miễn dịch. Thường là sau tháng thứ 6, miễn dịch bẩm sinh bé nhận được từ mẹ sẽ giảm nhanh, lúc này, trẻ rất cần đến một giải pháp bảo vệ bổ sung, để tăng cường sức đề kháng từ bên ngoài.
Nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ vô cùng quan trọng trong 6 tháng đầu, nó là nguồn cung nhiều kháng thể giúp kháng lại bệnh tật ở trẻ mới sinh, do đó sử dụng hoàn toàn sữa mẹ để nuôi con trong 6 tháng đầu là cách nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ nhỏ tốt nhất.
Sau giai đoạn nhận kháng nguyên từ mẹ, từ khoảng 6 tháng đến 4 tuổi cơ thể của bé có hệ miễn dịch rất yếu và dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp. Ở thời kỳ này, cơ thể bé bắt đầu tiếp xúc với các kháng nguyên bên ngoài và dần hình thành nên hệ thống kháng thể tự bảo vệ cơ thể. Phương pháp để trẻ tiếp cận với các kháng nguyên chủ động nhất chính là tiêm vắc xin, do đó trong độ tuổi này trẻ nhỏ thường được gợi ý tiêm rất nhiều mũi vắc xin phòng ngừa bệnh tật.
Trẻ ở độ tuổi lớn hơn, hệ miễn dịch được hoàn thiện khi được tiếp xúc với ngày càng nhiều kháng nguyên, lúc này cơ thể đã đủ khỏe mạnh để ngăn chặn tác hại của các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh.
Mẹ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe miễn dịch cho trẻ
Các chuyên gia y học đã đưa ra rất nhiều khuyến cáo trong việc xây dựng và nâng cao sức khỏe miễn dịch ở trẻ nhỏ.
Đầu tiên, trẻ nhỏ cần được bú mẹ ngay những giờ đầu sau sinh, hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và liên tục đến 24 tháng tuổi. Đây là nguyên tắc nhất định phải tuân thủ để đảm bảo cung cấp hệ miễn dịch bẩm sinh tốt nhất cho trẻ.
Có tới 70% hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động qua hệ thống tiêu hóa, cho nên việc tăng cường chức năng tiêu hóa chính là biện pháp tối ưu để nâng cao sức khỏe miễn dịch toàn diễn. Người mẹ nên chăm sóc tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ bằng cách bổ sung hợp lý và cân đối các nhóm chất từ thực phẩm, đặc biệt là các vitamin (A, D,C…) và các khoáng chất (canxi, sắt, kẽm, selen, magie…). Các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu cho trẻ như:
- Bổ sung protein qua thịt, cá, trứng, sữa
- Vitamin A có trong lòng đỏ trứng, các loại rau củ quả có màu vàng đỏ (cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ…)
- Thực phẩm giàu vitamin C ( các loại rau, cam, quýt, chanh, bưởi…)
- Thực phẩm giàu vitamin D ( cá, dầu cá, lòng đỏ trứng…)
- Kẽm có trong hải sản, thịt gà, thịt thăn, đậu đỗ
- Sắt có trong tim, gan, thịt bò…
- Canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa
Mẹ cần đảm bảo trẻ có môi trường sống lành mạnh nhất, không gian sạch sẽ, trong lành, không chất độc hại, nhất là khói thuốc lá. Giúp trẻ tăng cường vận động để gia tăng trao đổi chất, hoạt động ngoài trời nhiều hơn để hấp thụ vitamin D (một loại vitamin cực kỳ quan trọng trong hệ miễn dịch ở trẻ).
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của các chuyên gia Y tế. Không thực hiện tiêm quá nhiều và quá liều lượng cho trẻ, bởi đó sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với sự hoàn thiện và phát triển của trẻ.
Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ, bởi sử dụng kháng sinh sẽ gây nên mất cân bằng đường ruột, làm cho chức năng tiêu hóa suy giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch.
Liệu pháp bổ sung dành cho mẹ chính là các loại thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Chẳng hạn như các sản phẩm có chứa vitamin A, C, D, E và các khoáng chất thiếu yếu khác. Tuy nhiên việc sử dụng thực phẩm bổ sung hay bất kỳ loại thuốc nào đều phải tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia y tế.
Kết luận
Hệ miễn dịch ở trẻ được hình thành từ trong bụng mẹ và hoàn thiện dần theo thời gian, miễn dịch ở trẻ cần được bảo vệ và tăng cường mỗi ngày trong suốt quá trình trưởng thành. Người mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe miễn dịch ở trẻ nhỏ. Không những cung cấp dưỡng chất và các kháng thể qua nhau thai trong lúc mang bầu, mẹ còn bảo vệ trẻ bởi tác động từ yếu tố ngoại lai từ sữa, mẹ chăm sóc và bảo vệ trẻ mỗi ngày. Do đó, để bảo vệ sức khỏe miễn dịch của trẻ, chúng ta phải đặc biệt chăm sóc sức khỏe cho người mẹ, mẹ khỏe chính là tiền đề vững chắc giúp trẻ chắc khỏe và có khả năng miễn dịch toàn diện.