Bệnh bướu cổ là gì? Bướu cổ và những điều bạn cần lưu ý
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng với con người vì chức năng sản sinh các chất có vai trò giúp điều hòa những hoạt động tăng trưởng, phát triển của cơ thể. Chức năng của tuyến giáp bị rối loạn sẽ gây ra các bệnh lý nghiêm trọng, trong đó bướu cổ là căn bệnh mà nhiều người gặp phải nhất. Tỷ lệ mắc bướu cổ ở nữ giới cao hơn nam giới với rất nhiều biểu hiện cần lưu ý. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!
Bướu cổ là gì?
Bướu cổ hay còn có tên gọi khác là bướu giáp, đây là một căn bệnh phổ biến của tuyến giáp. Biểu hiện thường thấy khi mắc bệnh lý này đó là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.
Các loại bướu cổ thường gặp
Theo một nghiên cứu về tuyến giáp ở nước ta, tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ chiếm 4 - 7% dân số, nhiều nhất ở phụ nữ độ tuổi 20 - 40 tuổi. Chủ động tìm hiểu về căn bệnh này để phòng tránh và ngăn chặn nếu có những dấu hiệu đáng ngờ là điều vô cùng cần thiết.
Bướu cổ thường được chia làm 3 dạng chính, đó là:
Bướu cổ đơn thuần
Bướu cổ đơn thuần là gì? Nhận diện bướu cổ đơn thuần
Bướu cổ đơn thuần (bướu cổ lành tính) chiếm 80%, là dạng bướu cổ phổ biến nhất. Bướu cổ đơn thuần thường sẽ có tình trạng bình giáp (không thay đổi hormon tuyến giáp). Nguyên nhân gây nên tình trạng này không phải do ung thư, viêm nhiễm và không có biểu hiện tăng hoặc giảm chức năng của tuyến giáp.
Nhận diện bướu cổ đơn thuần như thế nào? Bướu cổ đơn thuần có 2 hình thức khác nhau:
- Bướu giáp lan tỏa: Tình trạng tuyến giáp to, phình ở cả 2 bên.
- Bướu giáp nhân: Gồm một hoặc nhiều nhân. Trường hợp bướu giáp một nhân (đơn nhân lành tính) sẽ xuất hiện một khối u ở giữa cổ; không gây đau, không dính vào da; di chuyển theo nhịp nuốt. Trường hợp bướu cổ nhiều nhân (đa nhân lành tính), bệnh nhân sẽ thấy nhiều khối tròn đường kính 0,5 đến vài centimet tại cổ.
Nguyên nhân gây bướu cổ đơn thuần là gì?
Bướu cổ lành tính được gây nên bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong số đó là:
- Thiếu iốt: Nguyên nhân chính
- Rối loạn nội tiết tố nữ ở độ tuổi dậy thì
- Ảnh hưởng của chất kháng giáp có trong cây sắn, cây bắp cải trắng.
- Sự bất thường trong tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp.
Triệu chứng gặp phải khi mắc bướu cổ đơn thuần
Những người mắc bướu cổ đơn thuần thường không có những triệu chứng rõ ràng, không cảm thấy đau rát. Bướu cổ khi phát triển kích thước lớn sẽ gây nên những dấu hiệu chèn ép khó chịu như:
- Chèn ép khí quản gây khó thở
- Chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây ra nói khàn tiếng, khó nói, nói hai giọng
- Chèn ép tĩnh mạch chủ gây phù ở mặt, lồng ngực, cổ, tay.
Bướu cổ đơn thuần có nguy hiểm không?
- Đối với bướu giáp lan tỏa: Bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc.
- Đối với bướu giáp nhân (đơn nhân hoặc đa nhân): Nên thăm khám và điều trị bằng thuốc trong 6 tháng, nếu bệnh tình không thuyên giảm thì phải tiến hành mổ để loại bỏ nhân bướu giáp.
Mặc dù là bướu cổ lành tính, không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ thể nhưng cần thăm khám kịp thời khi có các dấu hiệu khả nghi. Điều trị sớm bằng thuốc sẽ ngăn chặn các biến chứng gây chèn ép, khó thở, bướu phát triển nhanh. Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân sẽ phải mổ sớm dù chưa hoàn tất quá trình điều trị nội khoa bằng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Bướu cổ do cường giáp
Nhận diện bướu cổ do cường giáp
Bướu cổ do cường giáp còn gọi là bướu cường giáp, thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi 20 - 45, khi hormone tuyến giáp được sản xuất quá mức.
Nguyên nhân, cách điều trị bướu cường giáp
Nguyên nhân của bệnh bướu cường giáp là do bệnh basedow với bướu giáp mạch lan tỏa, có thể kèm lồi mắt; một nguyên nhân khác là do cường giáp với bướu giáp đa nhân hóa độc.
Các biểu hiện chung của bệnh bướu cường giáp là:
- Run tay
- Tim đập nhanh
- Hồi hộp
- Ăn nhiều nhưng ốm
- Nóng nảy bất thường
Đối với bướu cổ do cường giáp, người bệnh điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng giáp tổng hợp và thuốc tim mạch. Thời trang điều trị kéo dài từ 12 - 18 tháng tùy bệnh nhân, sau thời gian này cơ thể có thể phục hồi nhanh chóng và trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có bướu giáp nhân hoặc tuyến giáp lớn độ 2, độ 3 sau khi điều trị nội khoa ổn định (hết run tay, hồi hộp, tim đập bình thường, lên cân) thì nên kết hợp với phẫu thuật để cho kết quả tốt hơn.
Ung thư giáp
Ung thư giáp là bướu cổ ác tính, vì thế ở giai đoạn sớm của ung thư giáp, bệnh nhân sẽ thấy những biểu hiện tương tự như bướu giáp đơn thuần (bướu cổ lành tính). Bệnh thường gặp hơn ở người trung niên và người lớn tuổi hoặc nhóm bệnh nhân có bướu cổ đơn nhân. Giai đoạn ung thư giáp muộn, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khản tiếng không hồi phục.
Với bướu cổ trong ung thư giáp, bệnh nhân sẽ phải cắt hết thùy giáp bị ung thư, cắt eo giáp, não hạch.
Những nguyên nhân chủ yếu gây bướu cổ
Bên cạnh những nguyên nhân của từng loại bướu cổ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bướu cổ ở người bệnh phải kể đến như:
- Do cơ thể thiếu iod do cung cấp thiếu hoặc do nhu cầu iod của cơ thể tăng cao. Tuyến giáp thông thường sẽ hấp thụ iod qua thức ăn, khi tuyến giáp không nhận được lượng iod cần thiết thì nó sẽ tự sản sinh hormone để bù đắp. Khi đó, kích thước của tuyến giáp sẽ phồng to và tạo nên tình trạng bướu cổ.
- Do rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh hoặc di truyền.
- Do thực phẩm hoặc thuốc: Thực phẩm như măng, rau cải hay do nguồn nước dùng trong sinh hoạt có độ cứng cao đều ảnh hưởng đến sự tổng hợp hormone tuyến giáp gây bướu cổ. Một số loại thuốc có chứa muối lithi sử dụng trong điều trị tâm thần, thuốc điều trị hen, thuốc thấp khớp… cũng ảnh hưởng đến quá trình gây ra căn bệnh bướu cổ.
Những đối tượng dễ mắc bệnh bướu cổ
Hãy cùng tìm hiểu xem những ai có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ nhất. Những đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này đó là:
- Những người không bổ sung đủ lượng iod từ thực phẩm.
- Những đối tượng có nhu cầu hormone tuyến giáp cao như: Trẻ em ở độ tuổi dậy thì; phụ nữ mang thai hoặc đang cho con nhỏ bú…
- Di truyền từ gia đình, người thân.
- Mắc các bệnh mãn tính như: Viêm đại tràng, suy thận mãn tính, tiêu chảy kéo dài… ảnh hưởng đến sự hấp thu và đào thải iod.
- Tiền sử mắc các bệnh về tuyến giáp như: Nhiễm trùng, rối loạn tuyến giáp, u tuyến giáp…
- Sau điều trị các bệnh lý về tâm thần.
Chẩn đoán và điều trị bệnh bướu cổ như thế nào?
Biện pháp chẩn đoán bệnh bướu cổ
Thông thường, bệnh nhân bướu cổ sẽ được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng như sau:
- Xét nghiệm máu: Theo dõi các thay đổi hormone tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp: Xác định được sự đổi mới về hình dạng và cấu trúc tuyến giáp.
- Xét nghiệm giải phẫu: Tiến hành lấy mẫu tuyến giáp bằng phương pháp chọc hút kim bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết tuyến giáp để xác định bướu lành tính hay ung thư.
- Xạ hình tuyến giáp: Đây là một loại xét nghiệm mới, hiện đại giúp đánh giá được hình ảnh chức năng của bướu cổ một cách toàn diện và phát hiện được ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm. Xét nghiệm này hoàn toàn không đau và ảnh hưởng.
Tùy từng loại bướu cổ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, 3 phương pháp chính thường được dùng điều trị bệnh bướu cổ hiệu quả là:
- Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa bằng thuốc giúp đưa hormone tuyến giáp về trạng thái bình thường. Bệnh nhân sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ và cần dùng thuốc đều đặn hàng ngày, tái khám định kỳ đúng hẹn để kiểm tra định lượng hormone.
- Xạ trị: Phương pháp sử dụng iod phóng xạ làm giảm kích thước tuyến giáp.
- Tùy từng trường hợp người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
Phòng ngừa bệnh bướu cổ như thế nào?
Để hạn chế bệnh bướu cổ và phát hiện sớm các loại bướu cổ thường gặp, cần lưu ý những phương pháp sau:
- Cung cấp đầy đủ lượng iod cho cơ thể: Ăn các loại thực phẩm giàu iod như cá biển, nước mắm…
- Thăm khám định kỳ với các đối tượng có tiền sử bệnh lý về tuyến giáp, tiêu hóa, thận mãn tính, sau điều trị các bệnh tâm thần…
- Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Bệnh bướu cổ hầu hết là lành tính và có thể dễ dàng chữa trị nếu phát hiện kịp thời. Bài viết trên có lẽ đã trả lời được câu hỏi bệnh bướu cổ là gì và những lưu ý đối với căn bệnh này. Mong rằng những thông tin trên đã mang lại nhiều điều bổ ích cho bạn đọc.
MUA NGAY: Viên uống hỗ trợ tuyến giáp, hỗ trọ điều trị bệnh bướu cổ
XEM THÊM:
- 10 nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp
- Vì sao nữ giới dễ mắc bệnh tuyến giáp
- Ung thư tuyến giáp nguy hiểm như thế nào