Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm phế quản mãn tính
Bệnh viêm phế quản mạn là tình trạng sản xuất quá mức chất nhầy ở phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục, bệnh tái phát theo từng đợt ít nhất 3 tháng trong 1 năm và ít nhất 2 năm liền, không phải nguyên nhân do lao, ung thư phổi hay suy tim mạn tính.
1. NGUYÊN NHÂN
Theo ý kiến của các chuyên gia hô hấp thì nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mạn chưa rõ ràng nhưng có những yếu tố nguy cơ đã được xác nhận như sau:
- Do hút thuốc lá hay hút thuốc thụ động.
- Do cơ địa dị ứng.
- Do tuổi tác, tuổi cao
- Do môi trường làm việc nhiều chất độc hại như khí clo, phosgen, nitơ, isocyanate gây tổn thương đường hô hấp trung tâm
- Do yếu tố xã hội như khi thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, môi trường ô nhiễm không khí, điều kiện sống thấp và không được phòng ngừa bệnh đầy đủ
- Do yếu tố giới tính: nam nguy cơ mắc cao hơn nữ, có thể do thói quen hút thuốc
- Do yếu tố nhiễm trùng với một số vi khuẩn thường gặp là H. influenzae, Streptococcus pneumoniae.
- Do yếu tố khí hậu lạnh và khô gây co thắt phế quản ở bệnh nhân viêm phế quản mạn dạng hen.
2. PHÂN LOẠI
Bệnh viêm phế quản mạn được phân thành 3 loại như sau:
- Viêm phế quản mạn tính đơn thuần với triệu chứng chỉ ho và khạc đờm, có thể điều trị khỏi.
- Viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn với triệu chứng chính là khó thở, do tắc nghẽn lan rộng và thường xuyên của phế quản, ho khạc đờm trong hoặc có mủ nhầy.
- Viêm phế quản mạn tính nhầy mủ với triệu chứng ho và khạc đờm nhầy từng đợt kịch phát hoặc liên tục.
3. TRIỆU CHỨNG
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, tình trạng sức khỏe, tuổi tác mà có những triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khác nhau, dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:
- Khó thở tăng dần, chức năng hô hấp suy giảm trầm trọng.
- Thường xuyên ho, khạc đờm vào buổi sáng, đờm nhầy, dính, trong hoặc xanh, vàng, đục như mủ, với lượng đờm khoảng 200 ml/ngày, thường kéo dài 3 tuần 1 đợt, tăng về mùa đông và đầu xuân.
- Có sốt, ho, khạc đờm có mủ, khó thở như cơn hen, tử vong do suy hô hấp cấp.
4. BIẾN CHỨNG
Bệnh tiến triển từ từ nặng dần trong khoảng từ 5 đến 20 năm, với nhiều đợt bùng phát bệnh dẫn đến các biến chứng khí phế thũng, tâm phế mạn, suy hô hấp.
5. ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH
- Nam giới nguy cơ cao dễ mắc phải hơn nữ giới do liên quan đến thuốc lá.
- Những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn cao hơn.
6. CHẨN ĐOÁN
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản mạn tính khi có những dấu hiệu sau đây:
- Bệnh nhân có ho, khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng mỗi năm, kéo dài liên tiếp trong ít nhất 2 năm.
- Chụp Xquang thấy trong giai đoạn tiến triển có thể phát hiện một số dấu hiệu bệnh lý như ứ khí, động mạch phổi to... giúp loại trừ các bệnh gây ho khạc đờm mãn.
- Chức năng hô hấp giúp chẩn đoán và theo dõi diễn tiến, kiểm tra điều trị và tiên lượng, nhằm xác định có tắc nghẽn hay không.
- Soi phế quản để loại trừ một số bệnh có triệu chứng giống hay đi kèm viêm phế quản mạn như KPQ, lao, dò hạch lao vào phế quản, hít dị vật.
7. ĐIỀU TRỊ
Các phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính như sau:
- Chỉ sử dụng kháng sinh Amoxicilline, Erythromycine khi có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đờm đổi màu…., nếu không đáp ứng với các thuốc trên thì chuyển sang Cephalosporin thế hệ 2 hoặc Fluoroquinolone.
- Các loại thuốc dãn phế quản được dùng bằng đường khí dung như Ventolin, Bricanyl, Combivent...
- Thuốc Corticoide chỉ sử dụng trong đợt cấp.
- Kết hợp vật lý trị liệu hô hấp.
- Tập thể dục thường xuyên hợp lý với bài tập nhẹ rồi tăng lên như đi bộ chậm 15 phút sau đó có thể tăng 20, 25, 30 phút.
- Tập thở cơ hoành để tăng cường thông khí.
8. LỜI KHUYÊN
Các chuyên gia hô hấp đã chỉ ra rằng biện pháp để phòng tránh bệnh viêm phế quản mạn chủ yếu tập trung đến chế độ sinh hoạt hàng ngày, cụ thể là:
- Tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bỏ thuốc lá, thuốc lào.
- Tránh các chất gây dị ứng phổi như xịt tóc, nước hoa, sơn...
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
- Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm vào mùa thu đông.
Xem thêm:
SẢN PHẨM BỔ PHỔI, THANH LỌC PHỔI