HẬU COVID (TỪ A -> Z): TRIỆU CHỨNG, THĂM KHÁM, ĐIỀU TRỊ, CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ LUYỆN TẬP CHO NGƯỜI VỪA KHỎI BỆNH
Hội chứng hậu COVID-19 là gì?
Tình trạng hậu COVID-19 là có các biểu hiện bệnh sau khi mắc COVID- 19 có thể được biết đến với các tên khác nhau như di chứng COVID, hội chứng COVID kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của COVID hoặc COVID mạn tính. Hiện nay, các chuyên gia trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe liên quan đến COVID-19. Tính đến tháng 7 năm 2021 hội chứng "COVID kéo dài," còn gọi là di chứng hậu COVID có thể được coi là một dạng khuyết tật theo Đạo luật về người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Các triệu chứng và ảnh hưởng của nó cũng cần chú ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.
Các triệu chứng hậu COVID
Tác hại sau khi mắc COVID-19 là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, đang tái phát hoặc đang diễn ra mà người bệnh có thể gặp phải trong khoảng bốn tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19.
Thậm chí những người bị nhiễm SARS-CoV-2 không có các triệu chứng của bệnh COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm có thể xuất hiện các bệnh sau khi mắc COVID-19.
Các bệnh sau khi mắc COVID-19 có thể được biết đến như: Di chứng COVID, hội chứng COVID kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính hoặc tác động lâu dài của COVID hoặc COVID mãn tính.
Ảnh hưởng đa cơ quan của hậu COVID-19 có thể tác động tới nhiều cơ quan hệ thống trong cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da, não và xương khớp.
Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, còn hậu covid -19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm trí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị “ Hậu COVID-19”. Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…
Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.
Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.
Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực) rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...
Tất cả các triệu chứng nói trên đều có thể gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, làm hạn chế tham gia các hoạt động, công việc, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khỏi COVID-19.
Một số di chứng sau khi khỏi Covid-19
Chúng ta nên làm gì khi có biểu hiện hậu Covid-19
Nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Những người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 đã phải vật lộn với các triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau kéo dài nhiều tháng… Ước tính có khoảng 10% bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 sẽ phát triển những vấn đề sức khỏe hậu COVID-19 thành mạn tính.
Covid-19 có thể để lại nhiều di chứng lên tim mạch, phổi, tiêu hóa, thần kinh, tâm lý… nên người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của mình biết để có hướng khắc phục sớm, tránh để kéo dài làm ảnh hưởng tới công việc và chất lượng cuộc sống, cũng như dẫn đến các di chứng khó hồi phục, thậm chí không hồi phục.
Tùy vào đặc điểm lâm sàng của người bệnh mà các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh nên thăm khám và điều trị tại chuyên khoa nào. Trường hợp bệnh nhân có di chứng thần kinh cần được khám xét và điều trị bởi chuyên gia về thần kinh.
Nếu bệnh nhân bị giảm chức năng thận dai dẳng cần được theo dõi bởi chuyên gia về thận tiết niệu.
Các rối loạn về tâm lý, tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… cần được khám sức khỏe tâm thần…
Các vấn đề về phục hồi chức năng cần được hỗ trợ phụ thuộc vào triệu chứng và hạn chế về mặt chức năng của bệnh nhân với mục tiêu phục hồi lại các chức năng, phòng ngừa các rối loạn tâm lý, đảm bảo chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân quay trở lại với công việc và cuộc sống thường ngày.
Thời điểm khám hậu covid-19 để tránh nhập viện nhiều lần
Việc khám sức khỏe cần thực hiện trong vòng 1 - 3 tháng đầu khỏi bệnh. Với người có triệu chứng mệt, khó thở, hụt hơi, tim đập nhanh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền thì cần đến bệnh viện khám sớm hơn.
Cần chú ý thăm khám thường xuyên từ 1 - 3 tháng sau Covid-19
Cách chăm sóc 'hậu COVID-19' để hồi phục sức khỏe cho người bệnh
Sau khi bị bệnh COVID-19, người bệnh cần được tiếp tục hỗ trợ hoặc người bệnh cố gắng tự phục vụ mình (nếu có thể) trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện, điều đó là vô cùng cần thiết và rất quan trọng giúp cho người bệnh hậu COVID-19 quá trình phục hồi sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn.
Chế độ sinh hoạt, tập luyện
Trước hết, người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp (tự làm hoặc có người hỗ trợ) duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe khác như vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm (nếu có thể), tập dưỡng sinh…).
Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày). Bên cạnh đó cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút là vừa), việc làm này sẽ giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.
Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích họ tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.
Người bệnh cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày.
Đặc biệt với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh COVID-19 rất tốt. Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích người đã khỏi bệnh COVID-19 tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách/báo, tham gia bàn luận về tin tức trong ngày… cũng đóng góp đáng kể cho việc phục hồi sức khỏe.
Ngay cả khi đã phục hồi và âm tính với SARS-CoV-2, người bệnh vẫn nên chú ý tuân thủ thật nghiêm túc theo tư vấn của bác sỹ trước khi xuất viện về nhà (ví dụ, cần phải thường xuyên đeo khẩu trang, vất khẩu trang dúng nơi quy định, giữ khoảng cách tiếp xúc với mọi thành viên trong gia đình, rửa tay thường xuyên với xà phòng với nước sạch…) đề phòng bệnh cho các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm (cộng đồng), bởi vì, tuy khỏi bệnh nhưng còn có thể mang virus SARCOV-2). Cần hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại/thiết bị điện tử liên tục trong ngày.
Chế độ dinh dưỡng
Trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, người bệnh lưu ý nên ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của mình và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn (tùy theo điều kiện từng gia đình), nên ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày, ngoài ra nên uống thêm nước ép trái cây, uống thêm sữa (nếu người có bệnh đái đường nên uống loại sữa không đường, không ăn các loại bánh kẹo, nước giải khát có đường).
Để bổ sung các loại vi chất do tổn hại của bệnh COVID-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như tôm, cua, cá. Để bổ sung ka li nên ăn thêm chuối chín, bổ sung kẽm nên ăn hàu, sò, cá…
Người sau khỏi bệnh COVID-19 nên lưu ý rằng nếu biết kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng và tập dưỡng sinh chắc chắn sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe.
>> XEM NGAY Bài tập phục hồi chức năng phổi cho người nhiễm Covid-19
>> XEM NGAY Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị người bệnh Covid-19
>> XEM NGAY Hướng dẫn dinh dưỡng hỗ trợ dự phòng và điều trị viêm phổi cấp do Virus Corona (Covid-19)
>> XEM NGAY Tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân hô hấp mãn tính
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.