PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRONG ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CÁC BỆNH HÔ HẤP MÃN TÍNH
Phục hồi chức năng hô hấp
Phục hồi chức năng hô hấp giúp làm giảm các triệu chứng khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng khả năng gắng sức, giúp ổn định hoặc cải thiện bệnh, giảm số đợt kịch phát phải nhập viện điều trị, giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.
Phục hồi chức năng không được áp dụng trong giai đoạn cấp tính của bệnh hô hấp. Phương thức trị liệu tùy theo từng bệnh mà thay đổi, vì yêu cầu không giống nhau mặc dù đều nhằm mục đích phục hồi chức năng hô hấp.
Phục hồi chức năng không được áp dụng trong giai đoạn cấp tính của bệnh hô hấp
Trong điều trị phục hồi các bệnh mạn tính, vận động hô hấp trị liệu ngày càng được sử dụng rộng rãi với mục đích làm gia tăng dung tích hô hấp, nhưng không gia tăng sự tiêu thụ oxy, nghĩa là không làm mệt người bệnh.
Về các bệnh hô hấp mãn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, giãn phế quản, hen phế quản, khí phế thũng phổi...) vận động hô hấp trị liệu có vai trò vô cùng quan trọng. Do tác động trên các yếu tố sinh lý và cơ học của chức năng hô hấp, vận động hô hấp trị liệu giúp người bệnh tống thải được các chất tiết dịch ra ngoài để sự thông khí được diễn ra dễ dàng, kiểm soát được nhịp thở và tạo thư giãn trong cơn khó thở, gia tăng sự trao đổi khí bằng cách tập thở có hiệu quả và tập cho lồng ngực giãn nở tối đa. Đồng thời, nó giúp duy trì tầm vận động bình thường của cột sống và khớp vai, tránh được những biến dạng do tư thế xấu, giúp làm tăng tiến mức độ hoạt động của người bệnh.
Muốn đạt được kết quả trên, người bệnh cần tập thở đúng cách và vận động cơ hoành để có hiệu quả nhất, đồng thời tập luyện cho các cơ hô hấp phụ ít hiệu năng được thư giãn. Nếu có nhiều đờm, người bệnh cần tập ho có hiệu quả và dẫn lưu bằng tư thế.
Để chỉ định các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp thích hợp, trước hết người bệnh phải được đánh giá về chức năng thông khí phổi. Trên cơ sở đó, các bác sĩ mới đưa ra quyết định được các kỹ thuật phục hồi chức năng phù hợp.
Bác sĩ tư vấn các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp phù hợp cho từng bệnh nhân
Phân loại phục hồi chức năng dựa trên tình trạng bệnh
Dựa vào kết quả thăm dò chức năng thông khí phổi, bệnh lý thuộc cơ quan hô hấp sẽ được phân chia như sau:
Nhóm bệnh phổi rối loạn thông khí hạn chế
Mục đích của việc phục hồi chức năng bệnh phổi rối loạn thông khí hạn chế nhằm tăng thông khí phổi, giảm khó thở, giảm năng lượng cần thiết cho việc thở do điều khiển được nhịp thở và thúc đẩy được hoạt động tối đa của các cơ hô hấp hỗ trợ người bệnh có đủ oxy trong các sinh hoạt thường ngày.
Các bệnh hay gặp ở loại bệnh này như: tràn dịch màng phổi (chủ yếu là lao màng phổi), viêm phổi mô kẽ, xơ phổi, ung thư phổi, lao phổi ổn định...
Chỉ định kỹ thuật: tập ho hữu hiệu; tập thở cơ hoành các tư thế; tập thở cơ hoành có trợ giúp, có trở kháng; tập thở hoành với dụng cụ (gậy, thang tường, ròng rọc, đai vải); các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực.
Nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí tắc nghẽn
Các bệnh hay gặp trong nhóm bệnh phổi này bao gồm: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, nung mủ phổi phế quản, viêm phổi, áp xe phổi...
Mục đích của phục hồi chức năng trong nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí tắc nghẽn là để nhằm tống đẩy các chất đờm dịch trong đường khí phế quản, làm thông thoáng đường dẫn khí, tăng thông khí phổi, giảm khó thở, đồng thời dự phòng viêm nhiễm tái phát.
Các kỹ thuật phục hồi thường được áp dụng: tập ho hữu hiệu; tập thở cơ hoành; tập thở hoành với dụng cụ (gậy, thang tường, ròng rọc, đai vải); dẫn lưu tư thế, kết hợp kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực; các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực.
Kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp giúp tăng thông khí phổi
Nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí hỗn hợp
Các bệnh hay gặp trong nhóm bệnh này bao gồm: nhóm bệnh sau phẫu thuật lồng ngực, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, áp xe phổi.
Mục đích của việc phục hồi chức năng trong nhóm bệnh phổi có rối loạn thông khí hỗn hợp đó là nhằm tăng thông khí phổi, tống đẩy các chất đờm dịch, giảm khó thở và dự phòng viêm nhiễm tái phát.
Các kỹ thuật thường được chỉ định: Tập ho hữu hiệu; tập thở cơ hoành; dẫn lưu tư thế, kết hợp kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực; các kỹ thuật vận động tăng cường thể lực.
>> XEM NGAY Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp
>> XEM NGAY Bài tập phục hồi chức năng phổi cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19
>> XEM NGAY Chế độ dinh dưỡng/ Chế độ ăn uống cho người cao tuổi bị mắc các bệnh về hô hấp và phổi
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.