tăng huyết áp là gì? nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa huyết áp cao

Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

 

Tăng huyết áp (huyết áp cao) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến hàng đầu và là nguyên nhân của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng dẫn đến tử vong như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,.... Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, toàn cầu có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp trên 7 triệu người. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 47%, tuy nhiên có 60% bệnh nhân chưa được phát hiện và gần 80% chưa được điều trị. Lý do là bệnh có diễn biến âm thầm và không có triệu chứng đặc hiệu, thường người bệnh chỉ tình cờ phát hiện, do đó nó có tên là “kẻ giết người thầm lặng”. Hôm nay, hãy cùng Pharma Plus tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán và điều trị - phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này nhé!


Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe

1.Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp (HA) là áp lực của dòng máu lên lên thành các động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg mà được xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp được thể hiện bằng 2 trị số: huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu). Tăng huyết áp hay còn được gọi là huyết áp cao (hypertension/ high blood pressure) là khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg (theo khuyến cáo hiện nay của Hội tim mạch Châu Âu và Hội tim mạch Việt Nam);  ≥130/80mmHg (Hội Tim mạch Hoa Kỳ). Như vậy, trị số huyết áp bình thường là <140/90mmHg.

2. Nguyên nhân của tăng huyết áp

Tăng huyết áp được chia thành 2 loại: tăng huyết áp nguyên phát (tăng huyết áp vô căn) và tăng huyết áp thứ phát, trong đó tăng huyết áp vô căn, tức là cao huyết áp chưa xác định rõ được nguyên nhân chiếm tới 90 – 95%.

Cao huyết áp thứ phát thường có các nguyên nhân phổ biến như sau:

  • Bệnh thận: viêm cầu thận cấp, suy thận cấp, suy thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận
  • Bệnh nội tiết: đái tháo đường, bệnh Cushing, u tủy thượng thận, cường giáp
  • Bệnh tim mạch: xơ vữa động mạch, hẹp động mạch chủ,…
  • Thuốc: các thuốc cường giao cảm, thuốc tránh thai, corticoid
  • Nguyên nhân khác: rối loạn thần kinh, ngộ độc,….

3. Triệu chứng của huyết áp cao

Triệu chứng của huyết áp cao thường rất ít và không điển hình, vì vậy rất nhiều người không phát hiện ra gì bất thường cho đến khi đi khám sức khỏe và đo huyết áp. Đôi khi bệnh nhân có thể thấy đau đầu, nóng mặt, khó thở, đau ngực khi có cơn tăng huyết áp. Hoặc khi bệnh đã diễn biến đến giai đoạn có biến chứng thì sẽ có các triệu chứng tổn thương cơ quan đích như: nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tai biến liệt nửa người,…

4. Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

Đối lập với sự nghèo nàn về triệu chứng thì những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nhiều và nguy hiểm như: 

  • Đau thắt ngực;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não (xuất huyết não, nhũn não);
  • Suy tim
  • Suy thận

Các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

      5. Chẩn đoán huyết áp cao

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp. Hiện nay, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất phổ biển và tiện lợi cho người bệnh để theo dõi bệnh tình. Việc đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần đảm bảo 3 điều sau:

    • Mỗi lần đo huyết áp cần đo 2 lần liên tiếp, cách nhau khoảng 1 phút ở tư thế ngồi
    • Cần đo huyết áp 2 lần/ngày, tốt nhất 1 lần vào buổi sáng, 1 lần vào buổi tối.
    • Cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4 ngày/lần. lý tưởng là 7 ngày. Loại bỏ kết quả ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (>135/85mmHg) để khẳng định chẩn đoán.

Trong khi chờ đợi để chẩn đoán xác định tăng huyết áp, cần tiến hành các thăm dò để phát hiện tổn thương cơ quan đích (như phì đại thất trái, thận mạn tính và bệnh đáy mắt do tăng huyết áp) và đánh giá nguy cơ tim mạch.

Người có huyết áp bình thường, cần đo lại huyết áp sau mỗi 2 năm và người tiền tăng huyết áp nên thực hiện việc thay đổi lối sống và kiểm tra lại sau 1 năm.

6. Điều trị cao huyết áp

Mục tiêu chung trong điều trị huyết áp cao thường là đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg. Đối với một số đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao, mục tiêu có thể là <130/80mmHg. Điều trị có thể dùng thuốc hoặc không, tuy nhiên thay đổi lối sống là bắt buộc, bao gồm:

  • Giảm cân
  • Giảm đường, muối, chất béo bão hòa như mỡ và nội tạng động vật, đồ ăn chiên rán, tăng lượng đạm, và chất xơ trong chế độ ăn
  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn
  • Hạn chế rượu bia, cai thuốc lá

Những biện pháp không dùng thuốc này có hiệu quả gần như tương đương việc sử dụng 1 loại thuốc hạ áp, mà còn giúp bệnh nhân tránh được những tác dụng phụ của thuốc. Không chỉ có tác dụng hạ huyết áp, việc tuân thủ các thay đổi lối sống còn giúp bạn giảm thiểu các nguy cơ gặp các biến chứng tim mạch và nguy cơ tử vong.

Các nhóm thuốc hạ áp thường được sử dụng:

  • Nhóm chẹn kênh canxi
  • Nhóm chẹn beta giao cảm
  • Nhóm ức chế men chuyển và chẹn thụ thể
  • Nhóm thuốc lợi tiểu

Tuy nhiên các nhóm thuốc này là các thuốc kê đơn, bệnh nhân không được tự ý sử dụng cũng như cần tuân thủ, không được bỏ thuốc hoặc thay thuốc hoặc tăng/giảm liều mà không có sự tư vấn của bác sỹ để đảm bảo hiệu quả điều trị. 

7. Cách phòng ngừa cao huyết áp

Việc giữ huyết áp ở con số tối ưu không chỉ quan trọng đối với người bệnh mà còn có ý nghĩa đối với người khỏe mạnh, chưa bị tăng huyết áp. Các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp và các biến chứng như:

  • Giảm cân đối với người thừa cân, béo phì (duy trì BMI <25)
  • Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam, 80cm ở nữ
  • Chế độ ăn lành mạnh: giảm muối, đường, tinh bột, chất béo, tăng lượng chất xơ, bổ sung các vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn
  • Tập luyện, thể dục thể thao thường xuyên, không nên duy trì lối sống tĩnh tại, ít vận động: có thể vận động khoảng 30p/ ngày, ít nhất 5 ngày/ tuần
  • Bỏ các thói quen có hại như: hút thuốc, lạm dụng rượu bia 
  • Sống thư giãn, tránh lo âu, căng thẳng
  • Tầm soát tăng huyết áp thường xuyên bằng cách duy trì khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm để theo dõi và phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong huyết áp cũng như các vấn đề sức khỏe khác

Thay đổi lối sống để kiểm soát, ngăn ngừa huyết áp và các bệnh tim mạch

Kết luận: Như vậy, huyết áp là căn bệnh phổ biến và để lại nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại. Hãy phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn ngay hôm nay bắt đầu từ những hành động nhỏ mà thiết thực nhất là ăn nhạt hơn hay đứng lên vận động mỗi ngày để trở nên khỏe mạnh hơn

 

Bài viết khác

Xơ vữa động mạch: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Xơ vữa động mạch: nguyên nhân, dấu hi...

Xơ vữa động mạch được hình thành từ sớm và tiến triển theo tu...
Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứ...

Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, do bệnh không có tri...
Cam kết chính hãng

    Pharma Plus (Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Pharma Plus) tự hào là đại diện nhập khẩu và phân phối chính thức các sản phẩm sức khỏe tốt nhất từ ​​nhiều nước trên thế giới.

    Với kim chỉ nam “ Nỗ lực hết mình vì sức mạnh cộng đồng ”, Pharma Plus cam kết mang đến cho người dùng Việt Nam những sản phẩm thiên nhiên, từ sạch nguyên liệu, an toàn, chất lượng cao được lọc kỹ càng với giá thành phù hợp nhất.

    Tất cả các sản phẩm của chúng tôi, tôi đều được sản xuất trên hệ thống dây chuyền hiện đại, được kiểm tra chặt chẽ trong tất cả các sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến khi thành phẩm đến tay người dùng, đạt tiêu chuẩn chất lượng sản xuất Quốc tế như: cGMP (thực hiện sản xuất tốt) và đều được Bộ Y tế tại Việt Nam cấp giấy xác nhận công bố lưu hành trên toàn quốc.

div id="fb-root">