Vai trò của tuyến giáp và một số bệnh lý thường gặp
Tuyến giáp - một trong những tuyến nội tiết của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cân bằng, ổn định. Chúng ta ít nhiều đã nghe đến tuyến giáp, nhưng ít ai biết được vị trí tuyến giáp ở đâu, chức năng như thế nào và các bệnh lý tuyến giáp nào thường gặp? Cùng theo dõi bài viết: “Vai trò của tuyến giáp và một số bệnh lý tuyến giáp thường gặp” để hiểu rõ về tuyến nội tiết này nhé!
1. Tuyến giáp là gì? Vị trí tuyến giáp nằm ở đâu?
Tuyến giáp (tuyến giáp trạng) là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể với nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe. Nằm ở vùng cổ trước (tương đương đốt sống cổ 5 đến đốt sống ngực 1) với phía trước là da và cơ thịt, phía sau là khí quản, tuyến giáp có hình con bướm, nặng khoảng 10 - 20 gram, gồm 2 thùy (trái và phải) được nối với nhau bởi eo tuyến giáp.
Vị trí tuyến giáp trong cơ thể
2. Tuyến giáp có chức năng gì?
Các tế bào nang trong tuyến giáp tiết ra 2 hormon tuyến giáp là tetraiodothyronine (thyroxine, T4) và triiodothyronine (T3). Hormon T3, T4 được tổng hợp nhờ sự đóng góp của nguyên tố vi lượng Iod. Những hormon này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chuyển hóa của cơ thể:
- Tác dụng lên sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể; hoạt động của tuyến sữa, tuyến sinh dục
- Tăng cường hoạt động của não bộ và hệ thần kinh
- Điều tiết lượng photpho và canxi trong máu
- Tăng hô hấp, nhịp tim, lưu lượng máu qua tim để cung cấp oxi cho hoạt động chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể.
- Tăng cường chuyển hóa glucid, lipid dẫn đến lượng đường trong máu tăng, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
3. Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp.
Iod là vi chất quan trọng tham gia vào quá trình tổng hợp các hormon tuyến giáp. Chính vì vậy, việc thừa hay thiếu iod đều gây ra nhiều bệnh lý phức tạp cho tuyến giáp.
3.1. Hạch tuyến giáp.
Hạch tuyến giáp có thể nhìn hoặc sờ thấy trên cổ, thường vô hại và không gây đau đớn. Các hạch này có thể phát triển gây chèn ép đến thực quản và khí quản gây khó nuốt, khó thở, tuy nhiên khả năng hạch tuyến giáp biến tính và ác tính là rất nhỏ.
3.2. Bướu tuyến giáp đơn thuần.
Bướu tuyến giáp đơn thuần(còn gọi là bướu cổ) là bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp với triệu chứng là xuất hiện cục bướu vùng đáy cổ, thường không đau. Khi cục bướu lớn có thể chèn lên khí quản và thực quản, gây khó thở, khó nuốt, ho nhiều, giọng khàn.
3.3. Bệnh suy giáp.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, giảm tổng hợp các hormon tuyến giáp, với nguyên nhân có thể do giảm lượng iod trong khẩu phần ăn (ít hơn 150 microgam/ ngày) hoặc do bẩm sinh, sử dụng các thuốc kháng giáp trạng, cắt tuyến giáp,...
Biểu hiện thường gặp của bệnh suy giáp là: cơ thể mệt mỏi, chậm chạp, buồn ngủ, giảm trí nhớ, giảm nhịp tim, hạ huyết áp, tăng cân, táo bón, tiểu ít, suy giảm chức năng sinh dục…
3.4. Bệnh cường giáp.
Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormon tuyến giáp dẫn đến tăng chuyển hóa quá mức với một số biểu hiện như gầy sút cân, tim đập nhanh,... Tiêu biểu nhất của bệnh cường giáp là Basedow - bệnh tự miễn chiếm 10 - 30% các bệnh lý tuyến giáp, với nguyên nhân chủ yếu do sử dụng quá nhiều iod trong chế độ ăn (> 500microgam/ ngày), viêm tuyến giáp, bệnh bướu cổ đa nhân nhiễm độc, viêm tuyến yên,...
Biểu hiện thường gặp của bệnh cường giáp là: tăng thân nhiệt, giảm cân nhanh, tiêu chảy, da nóng ẩm, tăng tiết mồ hôi, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, dễ cáu gắt, khó ngủ,... Biểu hiện đặc trưng là bướu cổ lan tỏa.
Biểu hiện bướu cổ và Basedow
3.5. Ung thư tuyến giáp.
Bệnh lý ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, các tế bào ung thư xuất hiện và tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. Đây là bệnh ung thư có tiên lượng khá tốt, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 90% nếu được phát hiện sớm bằng phương pháp siêu âm.
Biểu hiện ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, tuy nhiên, các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn khi phát hiện bệnh lý muộn:
- Khối u trước cổ di động theo nhịp khi nuốt.
- Khó thở, khàn tiếng.
- Hạch nổi ở cổ.
Bài viết tham khảo nguồn: msdmanuals.com; medlatec.vn.