Thiếu i-ốt có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe
Iod là nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe. Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp được iod mà phải bổ sung từ nguồn thức ăn tự nhiên bên ngoài. Vậy iod đóng vai trò như thế nào đối với cơ thể chúng ta, hậu quả của việc thiếu hụt iod là gì? Cùng theo dõi bài viết “Thiếu hụt Iod gây ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe?” dưới đây để hiểu được vai trò và tác động của vi chất dinh dưỡng này nhé!
1. Iod và vai trò đối với cơ thể.
Iod được tìm thấy từ nguồn thức ăn và trong môi trường tự nhiên (nước biển, tảo biển, hải sản, rau chân vịt,...) chủ yếu dưới dạng muối iodua. Trong cơ thể chúng ta, iod là thành phần quan trọng trong quá trình tổng hợp 2 loại hormon tuyến giáp, triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Các hormon tuyến giáp này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất trong các tổ chức (tim, gan, thận, thần kinh trung ương,...), đặc biệt quan trọng cho sự phát triển, tăng trưởng về mặt thể chất và tinh thần. Ngoài ra, iod tham gia vào quá trình chuyển hóa beta - caroten thành vitamin A, tổng hợp protein, chuyển hóa năng lượng.
Iod - nguyên tố vi lượng quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể
2. Thiếu hụt iod gây ảnh hưởng như thế nào?
Thiếu hụt iod ở mức độ nhẹ hoặc vừa khiến việc sản xuất hormon thyroxin trong tuyến giáp bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới tác động của hormon TSH của tuyến yên (hormon kích thích tuyến giáp), nên ngày càng phì đại để cô đặc iod bên trong. Ngoài ra, sự thiếu hụt iod trầm trọng còn dẫn đến chứng suy giáp, thiểu năng tuyến giáp. Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ có thai là những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thiếu hụt iod. Đối với phụ nữ mang thai, thiếu iod làm chậm sự phát triển về mặt trí tuệ và thể chất của thai nhi, trẻ sinh ra dễ bị dị tật bẩm sinh, mắc các khiếm khuyết trí tuệ như thiểu năng, đần độn, câm, điếc hoặc bị suy giáp. Thiếu iod ở trẻ em khiến trẻ chậm lớn, chậm phát triển não bộ, nói ngọng, thiểu năng tuyến giáp,..., sự phát triển và khả năng lao động của cơ thể bị ảnh hưởng.
Tồn tại rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi thiếu hụt iod:
2.1. Thiếu iod khiến cơ thể mệt mỏi.
Thiếu hụt iod khiến nồng độ hormon tuyến giáp suy giảm, ảnh hưởng đến chuyển hóa và năng lượng cho cơ thể hoạt động, gây tình trạng uể oải, mất sức, mệt mỏi.
Thiếu hụt iod khiến cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi
2.2. Thiếu iod gây ảnh hưởng đến da và tóc.
Nồng độ hormon tuyến giáp thấp gây ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein ở da và tóc, khiến da khô, dễ bong tróc và tóc rụng do không được tái tạo thường xuyên.
Da khô, tóc rụng là một trong những biểu hiện của thiếu hụt iod
2.3. Thiếu iod gây tăng cân đột ngột.
Khi lượng iod không đủ cho việc sản xuất hormon tuyến giáp, nồng độ các hormon này không đủ cho việc kiểm soát tốc độ trao đổi chất bên trong cơ thể. Lượng calo bị đốt cháy thấp hơn, bị lưu trữ dưới dạng chất béo nhiều hơn gây tình trạng béo phì, tăng cân mất kiểm soát.
2.4. Thiếu iod ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.
Hormon tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và hệ thần kinh. Khi nồng độ hormon tuyến giáp suy giảm do thiếu hụt iod, não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khả năng ghi nhớ.
Trí nhớ suy giảm do thiếu hụt iod
2.5. Thiếu iod gây bướu cổ.
Bướu cổ là hậu quả nổi bật và phổ biến nhất khi thiếu hụt iod. Triệu chứng dễ quan sát nhất của chứng bệnh này là phần cổ bị sưng lên bất thường do tuyến giáp phải hoạt động nhiều, các tế bào tuyến giáp to lên dẫn đến phù nề tuyến giáp. Bệnh bướu cổ cần được điều trị nhanh chóng và kịp thời, nếu không sẽ gây nên tình trạng suy giáp và tổn thương tuyến giáp vĩnh viễn.
Bướu cổ - bệnh lý phổ biến khi cơ thể thiếu hụt iod
Bài viết tham khảo nguồn: vinmec.com; msdmanuals.com.